Hỗ trợ Steam
CS2 - Khuyến nghị thiết lập video

Sử dụng tần số quét cao nhất cho màn hình của bạn

Màn hình máy tính thường có "các chế độ" khác nhau. Mỗi chế độ tương ứng với một cách kết hợp thiết lập khác nhau, như "độ phân giải" (số lượng pixel trên màn hình) và "tần số quét" (số lượng khung hình mà màn hình có thể hiển thị mỗi giây). Tần số quét càng cao thì chuyển động càng mượt mà. Vì lý do này, chúng tôi khuyên bạn nên chơi CS2 ở chế độ với tần số quét cao nhất có thể của màn hình.


Kiểm tra kỹ tần số quét màn hình trong phần thiết lập

Nếu bạn sở hữu màn hình có tần số quét cao, có thể bạn đang không thực sự chạy trò chơi ở chế độ có tần số quét cao nhất. Khi chơi CS2 ở chế độ cửa sổ hoặc cửa sổ toàn màn hình, tần số quét sẽ được xác định bởi thiết lập màn hình từ hệ thống của bạn. Ví dụ, trên Windows 10 thiết lập này có thể tìm thấy trong mục "Advanced display settings".



Nếu có thể, hãy sử dụng NVIDIA G-Sync hoặc AMD FreeSync

Thông thường, màn hình hỗ trợ sẵn một số chế độ và tốn khá nhiều thời gian để chuyển đổi. Ví dụ, nếu màn hình hỗ trợ chế độ 60 Hz, trò bạn đang chơi sẽ cần liên tục dựng một khung hình cho mỗi 1/60 giây. Nếu không thể dựng khung hình kịp lúc, màn hình sẽ buộc phải hiển thị khung hình trước đó, dẫn tới trải nghiệm trông như đang dùng chế độ 30 Hz. Bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu nếu trò chơi trông như chuyển đổi liên tục giữa 60 Hz và 30 Hz.

Rất nhiều màn hình chơi game hiện đại có tính năng mang tên "NVIDIA G-Sync" và/hoặc "AMD FreeSync" được thiết kế để xử lý vấn đề này. Khi bật các tính năng trên, màn hình của bạn sẽ tự động chuyển tần số quét theo thời gian thực để khớp với tín hiệu nhận được. Ví dụ nếu màn hình của bạn hoạt động ở chế độ 60 Hz, nhưng bạn bật NVIDIA G-Sync hoặc AMD FreeSync, thì trò chơi có thể dựng hình ở 59 hay 58 hay 57 FPS, v.v. và màn hình sẽ tự động chuyển tần số quét để khớp với tốc độ khung hình của trò chơi. Điều này giúp trò chơi trông mượt hơn dù không thể tạo ra khung hình bằng tần số quét nhất định của màn hình.

Nếu khung hình trò chơi cao hơn tần số quét chỉ định của chế độ màn hình thì tính năng này không có tác dụng, nhưng cũng không gây hại gì. Vì lý do trên, chúng tôi khuyên bạn nên bật tính năng khi có thể.


Cách bật NVIDIA G-Sync

Nếu bạn đang sử dụng card đồ họa NVIDIA và màn hình hỗ trợ NVIDIA G-Sync, tính năng có thể bật ở ngoài trò chơi thông qua NVIDIA Control Panel. Xin lưu ý, tùy vào loại màn hình, bạn có thể phải chọn nhiều ô.

Xin cũng lưu ý trên một số hệ thống, G-Sync có thể gây ra lỗi đồ họa khi chơi ở chế độ cửa sổ không toàn màn hình.

Bạn cần khởi động lại CS2 sau khi thực hiện thay đổi.



Cách bật AMD FreeSync

Nếu bạn đang sử dụng card đồ họa AMD và màn hình hỗ trợ AMD FreeSync, tính năng có thể bật ở ngoài trò chơi thông qua AMD Software.

Bạn cần khởi động lại CS2 sau khi thực hiện thay đổi.



Nếu bạn đang sử dụng NVIDIA G-Sync, bạn cũng nên kích hoạt đồng bộ chiều dọc và NVIDIA Reflex

Chạy trò chơi ở khung hình cao hơn tần số quét của màn hình cũng có vài nhược điểm. Rõ ràng nhất là hiện tượng "xé màn hình" (screen tearing), xảy ra khi màn hình nhận được khung hình mới từ trò chơi trong quá trình làm mới. Nửa trên của màn hình sẽ hiện một khung hình trong khi nửa dưới hiện một khung khác.

Một vấn đề khác ít nổi bật hơn là hiện tượng "sụt khung nhỏ" (microstutter). Khi tần số quét của màn hình thấp hơn khung hình của trò chơi (ví dụ màn hình chỉ có thể hiển thị 60 Hz trong khi trò chơi đang dựng ở mức 70 FPS), thì trò chơi sẽ dựng một khung hình trước khi màn hình có thể hiển thị nó. Qua thời gian, màn hình và trò chơi dần lệch khỏi nhau, cho tới khi trò chơi dựng hai khung hình liên tục trước khi màn hình có thể hiển thị một khung. Kết quả dẫn tới hiện tượng "sụt khung nhỏ", khi trò chơi có vẻ như đi trước một khung hình.

Nhiều trò chơi có thiết lập mang tên đồng bộ chiều dọc (V-Sync) để giải quyết vấn đề này. V-Sync ép trò chơi phải "nghỉ" sau khi hoàn thành một khung hình cho tới lần làm mới màn hình tiếp theo, vì thế giúp đồng bộ khung hình trò chơi với tần số quét của màn hình. Điều này thường giúp loại bỏ cả hai hiện tượng xé hình và sụt khung nhỏ.

V-Sync có một nhược điểm lớn; khi ở chế độ nghỉ, trò chơi không xử lý tín hiệu đầu vào từ bàn phím và chuột, và các sự kiện đó sẽ được đưa vào hàng chờ để xử lý ở khung tiếp theo. Qua đó khiến đầu vào có độ trễ cao hơn (khoảng thời gian giữa một sự kiện đầu vào và thời gian bạn thấy nó xuất hiện trên màn hình).

Độ trễ đầu vào gây ra bởi V-Sync có thể được loại bỏ nếu bạn bật cả NVIDIA G-Sync và NVIDIA Reflex. NVIDIA Reflex là một tùy chọn trên nhiều card đồ họa NVIDIA giúp giảm độ trễ đầu vào bằng cách chèn khoảng thời gian nghỉ trước khi xử lý tín hiệu đầu vào, nghĩa là trò chơi có nhiều thời gian hơn để thu thập tín hiệu đầu vào mới nhất trước khi dựng khung hình tiếp theo. Vì khoảng thời gian nghỉ mà Reflex chèn vào chỉ là ước lượng, trò chơi có thể sẽ bỏ lỡ thời hạn làm mới màn hình (dẫn đến tình trạng sụt khung). Nhưng nếu bạn cũng bật G-Sync (xem bên trên), màn hình sẽ tự động điều chỉnh để khớp với tốc độ khung hình tối ưu và bạn sẽ không gặp phải vấn đề sụt khung.

Vì những lý do trên, chúng tôi khuyên bạn nên bật toàn bộ V-Sync, NVIDIA G-Sync và NVIDIA Reflex khi có cả ba tính năng đó. Xin lưu ý rằng việc bật cả ba cài đặt sẽ giới hạn tốc độ khung hình thấp hơn một chút so với tần số quét của màn hình. Điều này là có chủ ý và thường là cách kết hợp thiết lập tạo ra độ trễ đầu vào thấp nhất trông mượt mà nhất.

CS2 có thể phát hiện khi thiết lập này có sẵn lúc khởi động nhưng bạn không dùng nó. Bạn sẽ thấy một cửa sổ bật lên với vài tùy chọn. Nhấn nút "Áp dụng thay đổi" sẽ tự động áp dụng thiết lập đề xuất:


Cần trợ giúp với Steam?
Hãy dùng trình trợ giúp Steam để thu hẹp chủ đề và nhận hỗ trợ cần thiết.
Hỗ trợ cộng đồng
Đăng câu hỏi hoặc tìm câu trả lời trong diễn đàn thảo luận Steam.