Hỗ trợ Steam
Hỏi đáp về lừa đảo (Lừa đảo lòng tin và Lừa đảo trong trao đổi)

Lừa đảo: Tôi đã bị tố cáo và tài khoản sẽ bị cấm

Bất kì ai nói bạn đã bị lỡ tay hoặc tố cáo lừa đảo giả mạo hoặc các vi phạm khác luôn là cách chào mời để lừa đảo. Nếu ai đó thực sự tố cáo tài khoản bạn một cách sai lạc và bạn lo ngại bạn sẽ bị cấm, hãy yên tâm vì Steam không xem xét các báo cáo đó. Đừng làm theo chỉ dẫn cung cấp bởi bất kì ai nói rằng họ đã lỡ tay tố cáo tài khoản của bạn.

Tìm hiểu thông tin chi tiết ở đây: Lừa đảo: Tôi đã bị tố cáo


Lừa đảo lòng tin

Một số đối tượng lừa đảo lòng tin (scammer, cons, con artist) nhắm vào người dùng Steam bằng cách đe dọa tài khoản hoặc tự xưng là đại diện đội hỗ trợ Steam, Valve, hoặc một cá nhân hay dịch vụ đáng tin nào đó.



Lừa đảo trong trao đổi

Lừa đảo trong trao đổi thường nhắm đến mục tiêu chiếm đoạt vật phẩm từ kho đồ Steam của nạn nhân.



Lừa đảo lòng tin


Thế nào là lừa đảo lòng tin?
Lừa đảo lòng tin là một chiêu thức nhằm lừa gạt nạn nhân theo một cách nào đó. Kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt tài khoản của người dùng Steam để dùng hoặc bán, giữ tài khoản đòi tiền chuộc, hoặc thu thập thông tin từ nạn nhân để lừa gạt họ ở một nơi khác.

Dù không phải là hiện tượng chỉ có trên Steam, lừa đảo lòng tin trên mạng nhắm đến người dùng Steam vì các tài khoản Steam rất có giá trị, và khi bị chiếm đoạt, kẻ lừa đảo sẽ tạo áp lực lên nạn nhân để từ đấy lừa đảo thêm.


Các loại hình lừa đảo nào nhắm đến người dùng Steam?
Hầu hết các hành vi lừa đảo nhắm tới người dùng Steam (không liên quan đến lừa đảo trong trao đổi) đều cố chiếm quyền kiểm soát tài khoản của nạn nhân, sau đó giữ làm con tin để đòi tiền chuộc.

Bạn đừng bao giờ trả tiền chuộc cho kẻ lừa đảo dù chúng có nắm toàn quyền kiểm soát tài khoản của bạn đi chăng nữa. Bạn có thể khôi phục tài khoản bị chiếm đoạt bất kỳ lúc nào thông qua đội hỗ trợ Steam, và kẻ đã lừa bạn một lần rất có thể sẽ không hoàn trả lại tài khoản dù bạn có đưa tiền chuộc. Thay vào đó, chúng sẽ đòi nhiều tiền hơn.


Tôi bảo vệ bản thân khỏi bị lừa đảo bằng cách nào?
Bạn có thể tránh bị lừa đảo bằng cách cẩn trọng trong mọi giao tiếp trên mạng, đặc biệt là những trường hợp tạo áp lực, đe dọa, yêu cầu, hoặc tự xưng là người có thẩm quyền.

Bạn nên cảnh giác với những yêu cầu bất ngờ từ bạn bè đáng tin cậy, vì bạn không thể chắc chắn rằng họ có bị lừa và đánh mất quyền kiểm soát tài khoản vào tay kẻ lừa đảo.


Tôi làm gì khi đã bị lừa?
Nếu lỡ mất quyền kiểm soát tài khoản vào tay kẻ lừa đảo, bạn nên ngay lập tức khôi phục tài khoản thông qua đội hỗ trợ Steam. Mặc kệ những lời đe dọa, bạn luôn có thể khôi phục tài khoản thông qua đội hỗ trợ Steam dù kẻ lừa đảo đã thay đổi tất cả thông tin tài khoản như mật khẩu, email hay số điện thoại.


Tài khoản của tôi đã bị báo cáo một cách vô tình hay sai lạc. Tôi nên làm gì?
Bạn không cần phải làm gì để bảo vệ tài khoản khỏi các báo cáo vô tình hay sai lạc. Chúng sẽ không được Steam xem xét.


Tôi nên làm gì khi nhận được email đáng ngờ từ bạn bè?
Bạn có thể sử dụng công cụ báo cáo Steam trên trang hồ sơ cộng đồng Steam của bạn mình để báo tài khoản của họ đã bị chiếm đoạt. Nếu chuyện đó có thật, đội điều hành Steam sẽ khóa tài khoản cho đến khi chủ sở hữu khôi phục.


Làm thế nào để tôi tố cáo một tên lừa đảo?
Hầu hết các vụ lừa đảo lòng tin xảy ra bên ngoài Steam. Để báo cáo kẻ lừa đảo, bạn nên dùng tính năng báo cáo của nền tảng mà chúng dùng để trò chuyện với bạn, đồng thời chặn tất cả các giao tiếp khác.




Lừa đảo trong trao đổi


Lừa đảo trong trao đổi là gì?
Một vụ lừa đảo trong trao đổi xảy ra khi một người dùng Steam thuyết phục một người dùng khác thực hiện một giao dịch (trao đổi, gửi quà, hoặc giao dịch trong chợ cộng đồng) dưới một mục đích khác. Các vụ lừa đảo thường dùng chiêu trò lừa dối để thuyết phục người dùng rằng họ đang nhận được món hàng tốt và công bằng trong khi thực tế không phải như thế.

Để có thêm thông tin về hành vi lừa đảo, vui lòng đọc bài viết Những điều nên làm khi trao đổiChính sách khôi phục vật phẩm của Steam.


Cách tốt nhất để tránh bị lừa đảo là gì?
  • Bạn không cần vội vàng trao đổi. Khi nhận được đề nghị, cứ xem xét nội dung một cách kĩ lưỡng. Một khi đã xác nhận đề nghị trao đổi, bạn sẽ không thể hồi lại.
  • Bỏ qua áp lực phải tin tưởng người dùng khác. Nếu bạn trao đổi với người khăng khăng yêu cầu bạn phải tin họ, rất có thể họ đang cố lừa bạn. Hãy lưu ý rằng các bình luận +rep có thể dễ dàng được viết bởi các nhóm có mục đích xấu.
  • Di chuột qua mỗi vật phẩm để đảm bảo đặc điểm vật phẩm/quà tặng là chính xác. Thông tin về vật phẩm/quà tặng sẽ hiện lên trên mẹo công cụ bao gồm chất lượng, tên, mô tả và các hiệu ứng đi kèm.
  • Không thực hiện trao đổi từng món riêng rẽ hoặc hứa hẹn trao đổi trong tương lai. Nếu người dùng khác yêu cầu trao đổi nhiều lần, họ có thể đang lừa đảo. Luôn nhấn mạnh tất cả trao đổi hoàn tất trong một đề nghị.
  • Đảm bảo rằng bạn đang trao đổi với đúng người dùng. Kẻ lừa đảo có thể mạo danh bạn bè và các người trao đổi đáng tin cậy khác. Bạn có trách nhiệm phải biết người mình đang trao đổi cùng.

Tôi nên tránh những đề nghị trao đổi nào?
Tuyệt đối không trao đổi bất cứ thứ gì không thể thêm vào cửa sổ trao đổi của Steam. Ví dụ phổ biến cho các loại hình trao đổi này bao gồm:
  • Đổi vật phẩm/quà tặng để lấy tiền bên ngoài chợ cộng đồng Steam. Bạn không thể thêm tiền của ví Steam, Paypal, thẻ quà tặng hoặc bất cứ loại tiền tệ nào vào trong đề nghị trao đổi.
  • Đổi vật phẩm/quà tặng để lấy mã CD. Bạn không thể thêm mã CD vào trong cửa sổ trao đổi. Mã CD đó có thể dùng cho một trò chơi khác, giả mạo, đã qua sử dụng hoặc bị giới hạn vùng.
  • Trao đổi vật phẩm/quà tặng mà không lấy lại gì và chờ nhận vật phẩm hoặc quà tặng trong một trao đổi khác sau này. Không có lý do gì không thể trao đổi tất cả món hàng trong cùng một lần. Bạn có thể thêm không giới hạn vật phẩm/quà tặng cho một lần trao đổi.

Để biết thêm thông tin, hãy tham khảo Hỏi đáp về trao đổi Steam và bài viết Những điều nên làm khi trao đổi.


Tôi nên đặc biệt chú ý đến những loại lừa đảo trao đổi nào?
Người dùng cần luôn kiểm tra chắc chắn nội dung lời đề nghị trao đổi trước khi chấp nhận, cho dù điều đó tức là phải kiểm tra từng món trong một lần giao dịch có nhiều vật phẩm. Luôn luôn xác minh đúng vật phẩm và chất lượng của nó trước khi đồng ý trao đổi.


Sau đây là các cách thức phổ biến các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng để lừa dối bạn và chiếm đoạt vật phẩm:
  • Tráo vật phẩm - Bạn bàn bạc trước về một đề nghị trao đổi với người dùng khác, và vật phẩm họ đặt trong đề nghị trao đổi nhìn giống vật phẩm họ đề nghị, nhưng giá trị không đúng với đề nghị ban đầu.
  • Tráo chất lượng trong CS:GO - Một người dùng đề nghị bạn một vật phẩm CS:GO ở một độ bền nhất định nào đó (FN - Mới cứng), nhưng vật phẩm ở trong đề nghị trao đổi lại ở chất lượng thấp hơn (FT - Qua thực chiến). Thường việc tráo hàng sẽ xảy ra trong các đề nghị đáp trả.
  • Vật phẩm bị ẩn - Một người dùng đề nghị trao đổi với rất nhiều vật phẩm giá trị thấp (thẻ, thùng/hòm, v.v.), nhưng cũng đính kèm một vật phẩm giá trị cao ở giữa.
  • Đòi vật phẩm/Spam - Một người dùng gửi hàng loạt đề nghị trao đổi yêu cầu một vật phẩm giá trị cao và không đưa lại bất cứ gì để trao đổi, với mục đích nghĩ bạn sẽ bấm nhầm một lần và chấp nhận đề nghị.
  • Chuyển thư xác nhận - Một người dùng thuyết phục bạn chuyển tiếp thư xác nhận tới địa chỉ email của họ. Sau đó họ sẽ xác nhận trao đổi thông qua đường link trong thư. Tuyệt đối không chuyển tiếp email xác nhận trao đổi hoặc các đường link và không cung cấp thêm thông tin cho người dùng yêu cầu chia sẻ các thông tin tài khoản của bạn.
  • Đổi vật phẩm lấy tiền - Một người dùng đề nghị họ chuyển tiền cho bạn thông qua PayPal, PaySafeCard, mã ví Steam, thẻ quà điện tử Steam, v.v. Đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho bạn một mã thanh toán giả sau khi hoàn tất trao đổi. Trong trường hợp thẻ quà điện tử của Steam, đối tượng lừa đảo có thể tưởng chừng như thanh toán cho bạn trước, nhưng sẽ lên kế hoạch hoàn trả thẻ quà điện tử sau đó hoặc mua thẻ quà bằng một thẻ tín dụng lấy được thông qua lừa đảo.
  • Đổi vật phẩm lấy mã CD - Một người dùng đề nghị đổi vật phẩm của bạn lấy một mã nạp tiền cho ví hoặc mã CD của một trò chơi nào đó. Đối tượng lừa đảo thường hay đưa bạn một mã CD giả mạo sau khi hoàn tất trao đổi.
  • Người dùng hứa hẹn nhân đôi vật phẩm - Một người dùng đề nghị nhân đôi vật phẩm của bạn, nhưng bạn phải đưa vật phẩm cho họ trước. Sau khi nhận được vật phẩm từ bạn, họ sẽ chặn tin nhắn và chiếm đoạt hẳn vật phẩm đó.
  • Người dùng giả mạo bot trao đổi - Một người dùng giả mạo các bot trao đổi và báo rằng bạn phải trao đổi vài vật phẩm với họ. Sau khi bạn đã chấp nhận đề nghị và gửi vật phẩm đi, họ chặn bạn và chiếm đoạt hẳn vật phẩm.
  • Trao đổi qua người dùng trung gian - Nếu bạn thực hiện các trao đổi theo những điều nên làm khi trao đổi trong Steam, thì bạn không cần phải thông qua trung gian. Một khi bạn đã tin tưởng một người dùng khác nhận một hoặc nhiều vật phẩm cho bạn, cũng tức là tạo cơ hội để họ lừa đảo.
  • Xác nhận tài khoản - Một người dùng yêu cầu bạn phải trao đổi một vật phẩm để "xác nhận". Họ sẽ cố đưa một lý do nào đó để thuyết phục bạn, ví dụ chắc chắn vật phẩm không phải là hàng sao chép hoặc không bị lỗi. Đối tượng sau đó sẽ giữ vật phẩm và chặn bạn, và biến mất cùng với vật phẩm đã chiếm đoạt.
  • Chuyển tiền thông qua chợ cộng đồng - Một người dùng hứa hẹn gửi tiền cho bạn thông qua ví Steam bằng cách mua một vật phẩm có giá trị thấp của bạn với mức giá cao trên chợ cộng đồng. Hầu hết các đề nghị này đều thực hiện với nguồn tiền không hợp pháp.
  • Phần mềm đàm thoại/tham gia nhóm đội thi đấu (malware) - Một người dùng thuyết phục bạn cài đặt phần mềm gây hại được giấu bên trong các phần mềm đàm thoại, chống gian lận, hoặc các loại phần mềm họ yêu cầu phải cài đặt để tham gia giải đấu.
  • Đề nghị bán lại vật phẩm lừa đảo - Đối tượng xấu sẽ đôi khi nhận mua các vật phẩm bất thường (thường thông qua thẻ tín dụng đánh cắp) và sau đó sẽ đề nghị trao đổi với bạn để lấy một hoặc nhiều vật phẩm phổ biến hơn với giá cố định. Trước khi thực hiện họ sẽ thao túng giá cả của các vật phẩm bất thường này trên chợ cộng đồng Steam bằng cách sử dụng thẻ tín dụng bị đánh cắp. Cảnh giác trước các cam đoan trả nhiều hơn hẳn hoặc rằng bạn có thể bán nhanh (qs) vật phẩm để lấy lợi nhuận ngay lập tức. Hãy cân nhắc tại sao người dùng này sẵn lòng chịu lỗ khi trao đổi với bạn thay vì họ có thể tự bán chúng. Để biện minh, những đối tượng này đôi khi sẽ yêu cầu các chìa khóa hoặc các vật phẩm khác có thể trao đổi. Đừng bao giờ chấp nhận những trao đổi này vì giá trị của các vật phẩm bất thường đã bị làm giả và kết quả là giao dịch trên chợ bị xóa bỏ do có dấu hiệu hoạt động phi pháp.


Lừa đảo và chiếm đoạt khác gì nhau?
Lừa đảo là khi một người dùng lừa gạt một người dùng khác sẵn sàng (vào thời điểm đó) hoàn tất trao đổi, giao dịch trên chợ, hoặc gửi quà. Sau khi trao đổi hoàn tất, đối tượng bị lừa đảo không nhận được những gì đã hứa, hoặc vật phẩm không khớp với thỏa thuận.

Chiếm đoạt xảy ra khi tài khoản hoặc máy tính của một người dùng bị một đối tượng khác sử dụng mà không có sự cho phép của chủ sở hữu. Điều này thường xảy ra với phần mềm độc hại hoặc vi-rút. Trong một số trường hợp, kẻ chiếm đoạt sẽ dẫn dụ người dùng cung cấp thông tin đăng nhập, thông qua một trang web giả mạo Steam hoặc bên giao dịch thứ ba. Chúng thường đánh cắp tài khoản để trộm vật phẩm hoặc trò chơi, và đôi khi thực hiện các hành vi gian lận. Kẻ chiếm đoạt hay dùng tài khoản cướp được để trộm nhiều tài khoản hơn. Khi đó, chúng tôi sẽ khóa tài khoản đến khi chủ tài khoản hợp pháp liên hệ về vụ việc.

Thông tin thêm có thể tìm thấy trong bài viết Lấy lại một tài khoản Steam bị đánh cắp.


Làm thế nào để tôi báo cáo một kẻ lừa đảo?
Nếu bạn đã bị lừa đảo bởi người dùng khác hoặc có người đã cố thử lừa đảo bạn, vui lòng sử dụng tính năng báo cáo có sẵn trong Steam. Đây là cách tốt nhất để cho chúng tôi biết về các đối tượng lừa đảo và tiến hành xử lí:
  • Đi tới trang hồ sơ của đối tượng vi phạm
  • Nhấp vào mục '...' thả xuống phía trên bên phải của trang
  • Chọn 'Báo cáo người chơi'
  • Chọn loại hình vi phạm, và làm theo các hướng dẫn để nộp báo cáo

Nếu tài khoản người dùng bạn đã tố cáo lừa đảo được xử lí, bạn sẽ nhận được một thông báo trong Steam. Xem bài viết Cách báo cáo kẻ lừa đảo để biết thêm thông tin chi tiết.


Điều gì sẽ được thực thi khi một kẻ lừa đảo bị phát giác?
Nếu có bằng chứng chỉ ra một người dùng Steam lừa đảo, đội hỗ trợ Steam sẽ cấm tài khoản đó sử dụng cộng đồng Steam, bao gồm tính năng trao đổi và chợ Steam. Thời gian cấm phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như số lượng lừa đảo. Trong vài trường hợp, kẻ lừa đảo sẽ bị cấm vĩnh viễn. Nếu kẻ lừa đảo có nhiều tài khoản, tất cả tài khoản đều có thể bị cấm.

Trong một số ít trường hợp, đối tượng lừa đảo sẽ đánh cắp và sử dụng các tài khoản thu được để thực hiện các vụ lừa đảo, hoặc đánh cắp thêm các tài khoản. Với những trường hợp như thế, tài khoản sẽ bị khóa cho tới khi chủ sở hữu đích thực của tài khoản liên hệ và chúng tôi sẽ thực hiện đúng thủ tục.


Tại sao Steam không hoàn lại các vật phẩm đã bị lừa đảo?
Cộng đồng định giá cho vật phẩm tùy thuộc một phần vào độ hiếm của vật phẩm đó. Nếu nhiều bản sao của vật phẩm được thêm vào thị trường thông qua phục hồi kho đồ, giá trị của từng vật phẩm cùng loại sẽ bị giảm xuống.

Tuy thông cảm với nạn nhân của các vụ lừa đảo, nhưng chúng tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin trên trang web và trong hệ thống trao đổi để giúp người dùng đưa ra quyết định trao đổi đúng đắn. Để biết thêm thông tin, vui lòng tham khảo bài này trên blog cửa hàng của chúng tôi.


Tại sao đội hỗ trợ Steam không cung cấp thông tin lý do tài khoản của tôi bị cấm trao đổi hoặc bị khóa?
Bằng cách hạn chế cung cấp thông tin, đội hỗ trợ Steam ngăn người dùng ác ý học cách tránh bị bắt trong tương lai. Đội hỗ trợ Steam dựa vào một số điểm trong dữ liệu để đi đến quyết định cấm hoặc khóa một tài khoản. Người dùng có ý định thực hiện hành vi ác ý, với phần lớn người dùng khác, đang liên tục cố gắng lấy dữ liệu này để sử dụng cho việc lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt trong tương lai.

Dù hầu hết các lệnh cấm trao đổi là vĩnh viễn, trong một số trường hợp người dùng chỉ bị cấm trao đổi tạm thời. Trong trường hợp này, khi lệnh cấm được tự động gỡ bỏ, tài khoản vi phạm cũng sẽ được đặt trong tình trạng quản chế trao đổi. Tình trạng quản chế cho phép người dùng khác xác định liệu một người dùng có từng thực hiện hành vi lừa đảo trong quá khứ, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong việc có nên đồng ý trao đổi với người dùng đó hay không. Vui lòng lưu ý là trạng thái quản chế không cấm người dùng trao đổi.

Cần trợ giúp với Steam?
Hãy dùng trình trợ giúp Steam để thu hẹp chủ đề và nhận hỗ trợ cần thiết.
Hỗ trợ cộng đồng
Đăng câu hỏi hoặc tìm câu trả lời trong diễn đàn thảo luận Steam.